Hotline: 0354066339     Email: [email protected]

Lễ hội Trung thu: Cách kỳ diệu để đón trăng rằm mùa thu

28/08/2024
Lễ hội Trung thu: Cách kỳ diệu để đón trăng rằm mùa thu
Cách người dân châu Á đón mùa thu với bánh trung thu, đèn lồng và ngắm trăng.
Trăng tròn gần với thời điểm thu phân nhất có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Trăng rằm hay còn được gọi là Trăng mùa thu hoạch, vì nó chiếu sáng ban đêm để giúp nông dân làm việc trên cánh đồng. Ở một số nước châu Á, trăng rằm sáng nhất trong năm được tổ chức trong dịp Lễ hội Trung thu. Lễ hội này có nhiều hoạt động như đoàn tụ gia đình, ăn các món ăn truyền thống, trang trí và trưng bày đèn lồng đầy màu sắc.

Lễ hội Trung thu được tổ chức rộng rãi ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Thái Lan vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, thường rơi vào giữa tháng 9 hoặc đầu tháng 10.

Người dân khu Tai Hang biểu diễn múa Rồng lửa để chào mừng Tết Trung thu tại khu vực Tai Hang vào ngày 8 tháng 9 năm 2014 tại Hồng Kông, Trung Quốc.
Ảnh: Lam Yik Fei / Getty Images

Truyền thống Lễ hội Trung thu
Lễ hội Trung thu bắt nguồn ở Trung Quốc hơn 3.000 năm trước vào thời nhà Chu (nhưng không được phổ biến rộng rãi cho đến khoảng 1.500 năm sau vào thời nhà Đường). Lễ hội này nhằm tôn vinh mặt trăng. Ngày nay, người dân vẫn đốt hương, lập bàn thờ cúng, thắp đèn lồng, và quây quần bên gia đình dưới ánh trăng.

Phong tục ở mỗi nước có thể khác nhau, nhưng mục đích đều là để cảm ơn mặt trăng vì đã mang lại mùa màng bội thu. Đèn lồng thường do trẻ em làm và được treo trên cây, trong nhà, thả trên sông, hoặc bay lên trời như những chiếc khinh khí cầu mini nhờ ngọn nến nhỏ bên trong.

Người dân gốc Hoa thường tụ họp và ăn bánh trung thu sau khi mặt trời lặn. Những chiếc bánh tròn này có nhân bên trong và được trang trí công phu, gắn liền với hình ảnh các truyền thuyết về lễ hội. Người ta tặng bánh trung thu làm quà và ăn chúng trong các buổi họp mặt gia đình. Bánh trung thu được cho là đã trở thành truyền thống từ thời nhà Minh, tượng trưng cho mặt trăng tròn và sự đoàn viên vui vẻ. Nhân bánh có thể làm từ hạt sen, trứng muối, đậu, hoặc các vị hiện đại hơn như sô cô la, truffle, gan ngỗng, hay kem.

Tùy theo nơi bạn ở, người ta còn ăn bí đỏ, cua và các món ăn theo mùa khác, nhâm nhi cùng trà, trái cây và rượu quế hoa. Ở một số nơi, lễ hội còn là ngày nghỉ lễ.

- Ở Hàn Quốc, lễ hội kéo dài ba ngày và nhiều người về quê đoàn tụ với gia đình. Thay vì bánh trung thu, người Hàn Quốc ăn songpyeon - một loại bánh gạo hình bán nguyệt có nhân ngọt hoặc mặn.
- Ở Đài Loan, lễ hội Trung thu là ngày lễ quốc gia, mọi người thường ăn bánh trung thu và bưởi.
- Ở Nhật Bản, mọi người tôn thờ mặt trăng và các gia đình trang trí nhà cửa với những bông hoa đẹp.
- Ở Việt Nam, Lễ hội Trung thu được gọi là "Tết Trung thu" hoặc "Tết Thiếu nhi", trẻ em rước đèn lồng, xem múa lân và ăn bánh trung thu.
- Ở Singapore, khu Chinatown và Gardens by the Bay trưng bày đèn lồng và các loại bánh trung thu truyền thống và hiện đại.

People take a ride on boats at dusk to release paper-lanterns for good luck during the mid-autumn festival down the Thu Bon river
Ảnh: Manan Vatsyayana / AFP / Getty Images

Truyền thuyết về Lễ hội Trung thu
Theo truyền thuyết Trung Quốc, Hậu Nghệ và vợ là Hằng Nga là những vị thần bất tử sống trên thượng giới. Một ngày nọ, mười người con trai của Ngọc Hoàng biến thành mười mặt trời, khiến trái đất nóng cháy và khô hạn. Ngọc Hoàng không thể khiến các con dừng lại nên đã gọi Hậu Nghệ đến giúp. Hậu Nghệ bắn rơi chín mặt trời, chỉ để lại một mặt trời soi sáng cho thế gian. Nghe tin cả chín con trai đều chết dưới mũi tên thần, Ngọc Đế nổi trận lôi đình, bèn đày cả Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới.

Thấy vợ buồn vì mất đi sự bất tử, Hậu Nghệ quyết định đi tìm thuốc trường sinh để họ có thể trở lại làm thần tiên. Sau nhiều gian khổ, Hậu Nghệ đến gặp Tây Vương Mẫu và được ban cho một viên thuốc trường sinh, nhưng chỉ cần nửa viên là đủ cho một người. Hậu Nghệ mang thuốc về và dặn Hằng Nga không được mở hộp chứa thuốc. Tuy nhiên, khi Hậu Nghệ vắng nhà, Hằng Nga tò mò mở hộp và vô tình nuốt trọn viên thuốc. Ngay lập tức, Hằng Nga bay lên trời và trôi dạt đến mặt trăng.

Truyền thuyết này gọi là "Hằng Nga bôn nguyệt", là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất trong văn hóa dân gian Trung Hoa.
Tường Uyên
(Theo Travel + Leisure)